Công ty Thái Bình tham dự hội nghị REV-ECIT 2024 với chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”
Đại biểu, khách quý và toàn thể Hội nghị làm lễ chào cờ.
Sáng 14/12, Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII (REV-ECIT 2024) đã chính thức diễn ra tại Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội. REV-ECIT 2024 quy tụ gần 300 nhà khoa học đến từ 61 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trên toàn quốc. Với chủ đề của năm nay “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”. Hội nghị do Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Phenikaa tổ chức, được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, sẽ mang đến những nghiên cứu và giải pháp đột phá trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII (REV-ECIT 2024) có sự tham dự của TS. Lê Quang Huy- UV BCH TW, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và môi trường Quốc hội; TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam; TS. Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến điên tử Việt Nam (REV), GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, TS. Mai Liêm Trực, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện, cùng các vị Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo các Bộ ngành, Lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, Lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà khoa học trên toàn quốc.
TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam phát biểu Khai mạc.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị REV-ECIT 2024, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội REV cho biết: “Năm 2024 ngành Thông tin và Truyền thông đã và đang nỗ lực hết mình nhằm đưa những tiến bộ của Khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin vào thực tế cuộc sống, đã đề xuất và thực thi nhiều quyết sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội, với nhiều định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển, đó là tiếp tục chiến lược Make in Việt Nam, Chiến lược xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông số và đặc biệt là Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia, Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn.. đây là những quyết sách mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
“Chúng ta vui mừng nhận thấy đội ngũ khoa học công nghệ đã có nhiều đóng góp cho định hướng chiến lược này thông qua các công trình nghiên cứu và giảng dạy“, TS. Trần Đức Lai nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, TS. Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, các cơ sở đào tạo, các tập đoàn công nghệ và các nhà khoa học cần chú trọng tính thực tiễn của các nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuyển đổ số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, bám sát nhu cầu của thị trường, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp nhân lực bán dẫn của thế giới.
TS. Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chào mừng Hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Hội nghị REV-ECIT 2024 lấy chủ đề: “Phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo” là rất thời sự đáp ứng kịp thời sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng của đồng chí Tổng Bí thư để rút ngắn chuyển đổi số quốc gia. Tôi đánh giá cao về sự lựa chọn này là rất khoa học và thực tế“.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu chào mừng Hội nghị
Hội nghị REV-ECIT 2024 hướng tới chiến lược chung của Chính phủ, Hội REV đặt ra chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo”. Ban tổ chức và Ban chương trình của Hội nghị đã nhận được 159 bài báo và công trình khoa học của 479 tác giả/đồng tác giả đến từ hơn 61 trường Đại học, Viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn quốc. Sau quá trình xét duyệt, phản biện nghiêm túc với 364 lượt phản biện, Ban tổ chức hội nghị đã chấp nhận 128 công trình khoa học, bài báo tiêu biểu để trình bày và đăng trên kỷ yếu hội nghị.
Các chuyên đề của Hội nghị bao trùm toàn bộ các lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin cùng với phiên đặc biệt về Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, sẽ mang đến những phân tích sâu sắc và chiến lược phát triển quan trọng cho những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học.
Các phiên báo cáo khoa học đã được diễn ra sáng ngày 14/12/2024 tại Hội nghị REV-ECIT 2024
Các phiên báo cáo khoa học đã được diễn ra sáng nay bao gồm 81 bài được trình bày dưới dạng poster, 02 keynotes, 1 invited talk và 47 báo cáo được báo cáo trong 06 tiểu ban: Xử lý tín hiệu; UAV và ứng dụng; Xử lý ảnh và video; Thông tin vô tuyến; Ăng ten và truyền sóng; IoT và ứng dụng; Kỹ thuật điện tử; Công nghệ bảo mật; Robotics và 2 tiểu ban đặc biệt về Công nghệ vi mạch và Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng. Các chủ đề bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin đã thu hút gần 300 các nhà khoa học tham dự.
Điểm nhấn của Hội nghị Quốc gia REV-ECIT 2024 là Diễn đàn trao đổi về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, Viettel, MobiFone, Phenikaa, Thái Bình Scientific, Rohde & Schwarz Việt Nam, Tektronix Việt Nam, Altair Việt Nam, PCB GraphTech Vietnam, IASI Technologies, Eon Reality Việt Nam… và các doanh nghiệp công nghệ trên toàn quốc. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, góp phần định hướng phát triển các công nghệ quan trọng của Việt Nam.
Một số hình ảnh của công ty Thái Bình Scientific tại Hội nghị REV-ECIT 2024 diễn ra tại trường Đại học Phenikaa:
Tag: #Phenikaa, ai, AIoT, chip bán dẫn, điện tử viễn thông, hội vô tuyến điện tử Việt Nam, REV-ECIT 2024, Thái Bình Scientific, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn